Tổng quan
Myo- Inositol cải thiện chất lượng tinh trùng
Inositol là một hợp chất hóa học gồm tổng cộng 9 đồng phân, được tổng hợp từ Glucose-6-phosphat, trong đó dạng phổ biến nhất trong tự nhiên là Myo- Inositol. Myo Inositol tham gia vào quá trình điều hòa của sự trưởng thành, độ di động và phản ứng acrosome của tinh trùng. Ngoài ra, MI hoạt hóa phospholipase C, dẫn đến sản xuất InsP3 và mở các kênh canxi, gây ra sự gia tăng nồng độ canxi tế bào và do đó làm tăng Ca2+ của ty thể giúp kích thích cơ chế oxy hóa và sản xuất ATP, cải thiện chức năng ty thể của tinh trùng.
Tăng độ nhớt tinh dịch
Tăng độ nhớt của tinh dịch (SHV) là tình trạng làm giảm nghiêm trọng các đặc tính vật lý và hóa học của của tinh dịch, tác động tiêu cực lên các thông số tinh trùng, đặc biệt là khả năng vận động. Hiện tượng tăng sinh này do “hiệu ứng bẫy” ngăn cản sự di chuyển bình thường của tinh trùng qua đường sinh dục nữ. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa tăng độ nhớt (SHV) và nồng độ thấp fructose trong huyết tương tinh dịch, do chức năng của túi tinh bị suy giảm. Ngoài ra, SHV còn liên quan đến sự dư thừa các gốc tự do oxy hóa (ROS).
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam, chiếm 19 - 41% các trường hợp nam vô sinh nguyên phát (vô sinh I) và 45 - 84% các trường hợp vô sinh thứ phát (vô sinh II). Các tác động của giãn tĩnh mạch thừng tinh bao gồm giảm thể tích tinh hoàn, chất lượng tinh trùng bị giảm (khả năng di chuyển, hình thái và nồng độ) và giảm chức năng của tế bào Leydig.
Phân độ giãn tĩnh mạch tinh trên lâm sàng có 3 cấp độ trong đó độ 2 và 3 có nhiều nguy cơ gây vô sinh nam giới hơn.
Filomena Scarselli và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của Myo-Inositol đối với khả năng di chuyển của tinh trùng, trên các bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh nặng (độ II và III) hoặc có độ nhớt tinh dịch cao.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 9/2012 đến tháng 01/2013 trên 30 bệnh nhân giãn tĩnh mạch thừng tinh độ II và III và 33 bệnh nhân có độ nhớt tinh dịch cao (loại trừ các bệnh lý về tinh hoàn).
Các mẫu tinh dịch được quay li tâm ở tốc độ 1800 vòng/phút và mỗi nhóm đối tượng được chia thành 2 nhóm nhỏ: nhóm 1 được ủ trong môi trường môi trường đệm MOPS có bổ sung MI 2mg/ml ở 37℃ trong 15 phút, nhóm 2 được ủ trong môi trường đệm với điều kiện tương tự.
Phương pháp
Các mẫu tinh dịch được thu thập ở những bệnh nhân kiêng xuất tinh 3-5 ngày, được phân tích theo tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới WHO (2010).
Đánh giá độ nhớt của tinh dịch được đánh giá bằng cách hút tinh dịch vào pipet thủy tinh, rồi để tinh dịch nhỏ theo trọng lực, sau đó quan sát chiều dài của giọt.
- Bình thường: giọt dịch nhỏ rời rạc.
- Bất thường: Giọt tinh dịch kéo dài trên 2cm.
Sau khi ủ, khả năng di chuyển của tinh trùng được đánh giá nhờ hệ thống phân tích tinh dịch có sử dụng máy tính hỗ trợ (CASA).
Kết quả
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tổng khả năng vận động của tinh trùng (chậm và nhanh) được quan sát thấy trong lần xuất tinh của bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cấp II và III, sau khi ủ với MYO-Ins và ở nhóm chứng (22,7% ± 2,07 và 26,7% ± 3,31; P= 0,085).
Ngược lại, ủ với MYO-Ins cải thiện khả năng di chuyển tiến tới của tinh trùng ở nhóm SHV. Khả năng di chuyển của tinh trùng được nâng cao trong tinh dịch có độ nhớt cao (38,9% ± 3,0), so với nhóm đối chứng (24,35% ± 2,41).
Tác dụng điều trị của Myo-inostiol được chia thành 4 nhóm:
- Nhóm đáp ứng cao (HR): khả năng di chuyển của tinh trùng tăng từ ≥ 60% -100%.
- Nhóm đáp ứng trung bình (MR): tinh trùng di động tăng từ ≥30% - <60%.
- Nhóm đáp ứng kém (PR): tinh trùng di động tăng từ ≥ 1% - <30%.
- Nhóm không đáp ứng (NR): Các mẫu không có sự thay đổi khả năng di động của tinh trùng.
Kết luận:
MYO-Inositol cải thiện tích cực khả năng vận động của tinh trùng và tùy thuộc vào loại tổn thương của tinh trùng: các khuyết tật cấu trúc nặng, điển hình của giãn tĩnh mạch thừng tinh không được phục hồi bởi Inositol.
Hình 2. Phân tích hình ảnh, sử dụng hệ thống CASA, về khả năng di chuyển của tinh trùng ở những lần xuất tinh có độ nhớt cao không được ủ với MYO-Inositol (đối chứng, phần A) và ở những lần xuất tinh có độ nhớt cao được ủ với MYO-Inositol (phần B). Các vạch màu cho biết tinh trùng di động tiến tới nhanh (đỏ), di động tiến tới chậm (xanh lục), di động tại chỗ (xanh lam) và tinh trùng bất động (vàng), tương ứng. Trong các mẫu có độ nhướt tăng, các vạch màu đỏ và xanh lá cây tăng lên đáng kể sau khi ủ với MYO-Inositol.
Nguồn: Filomena Scarselli (2016), “ Analysis of MYO-Inositol effect on spermatozoa motility, in hyper viscous ejaculates and in patients with grades II and III varicocele”, Archivio Italiano di Urologia e Andrologia.