CHẤT LƯỢNG TINH DỊCH NAM GIỚI SAU KHI HỔI PHỤC DO MẮC COVID -19



Thế giới hiện đang bùng phát dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng. Virus này có khả năng lây nhiễm mạnh với độc lực thấp so với các dòng coronavirus trước đó và tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn ở nữ giới. Theo dõi tiếp xúc trên diện rộng, sau đó là cách ly là các biện pháp được khuyến khích để ngăn chặn sự bùng phát của dịch. Sự lây truyền từ người sang người của SARS-CoV-2 thường xảy ra trong các hộ gia đình, bao gồm người thân và bạn bè có tiếp xúc thân mật với bệnh nhân có triệu chứng hoặc đang ủ bệnh (Pan và cs, 2020). Các giọt đường hô hấp và tiếp xúc vật lý với bề mặt bị nhiễm là phương thức lây truyền đã được xác nhận của SARS-CoV-2 (Rothe và cs, 2020), ngoài ra virus cũng đã được phát hiện trong nước bọt (To và cs, 2020), nước mắt, nước tiểu và phân (Peng và cs, 2020). Sự xuất hiện của bộ gen virus trong tinh dịch của những người đàn ông bị nhiễm bệnh, trước đây chưa được xác định là lây truyền qua đường tình dục, đã được báo cáo ở các trường hợp bệnh Ebola và Zika (Feldmann, 2018). Sự biểu hiện cao của enzyme chuyển đổi angiotensin (Angiotensin-converting enzyme – ACE) và transmembrane serine protease 2 (TMPRSS2) trong tế bào sinh dưỡng và tế bào mầm của tinh hoàn cho thấy rằng virus SARS-CoV-2 có thể khu trú trong tuyến sinh dục (Wang và Xu, 2020). Một nghiên cứu gần đây (Rastrelli và cs, 2020) đã chứng minh sự phát triển của suy tuyến sinh dục phì đại ở bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, cho thấy sự suy giảm chức năng tế bào Leydig, mặc dù sự suy giảm này có liên quan đến sự định vị của virus trong tinh hoàn hay không vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, xét về vai trò thiết yếu của testosterone trong quá trình sinh tinh (Smith và Walker, 2014), những thay đổi về chất lượng tinh dịch ở những bệnh nhân mắc COVID-19 có thể được giả định. Ngoài ra, các thông số tinh dịch có thể bị tổn hại do tình trạng viêm xảy ra ở nam giới với COVID-19. Hiên nay có ít nghiên cứu đánh giá sự hiện diện của virus trong tinh dịch của người. Paoli và cộng sự đã cho thấy sự vắng mặt RNA của SARS-CoV-2 trong mẫu tinh dịch và nước tiểu 13 ngày sau khi chẩn đoán dương tính COVID-19 và 4 ngày sau khi bệnh nhân hồi phục (PaoLi và cs, 2020). Li và cộng sự (2020) đã thấy rằng tinh dịch của sáu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 4 bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm trùng cấp tính và hai bệnh nhân ở giai đoạn 2 và 3 ngày sau khi hồi phục lâm sàng. Pan và cộng sự (2020) không tìm thấy RNA của virus trong bất kỳ mẫu nào trong số 34 mẫu tinh dịch của nam giới bị nhiễm bệnh đang hoạt động. Tương tự, Song và cộng sự (2020) đã chứng minh không có RNA SARS-CoV-2 có thể phát hiện được trong các mẫu tinh dịch được thu thập từ 12 bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi: sau 1–16 ngày kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm âm tính thứ hai và 14–42 ngày sau khi nhiễm trùng cấp tính (Song và cs, 2020 ). Chỉ có hai nghiên cứu (Guo và cs, 2020; Ma và cs, 2020) đánh giá chất lượng tinh dịch trong một nhóm nhỏ nam giới trong giai đoạn đang nhiễm hoặc trong giai đoạn phục hồi của COVID-19.

Trong nghiên cứu này, các tác giả đã khảo sát sự hiện diện của RNA của SARS-CoV-2 trong nước bọt, nước tiểu và tinh dịch; đánh giá các thông số tinh dịch đồ; và định lượng nồng độ IL-8 trong tinh dịch như một dấu hiệu đại diện cho tình trạng viêm đường sinh dục nam (Lotti và cs, 2011) của 43 bệnh nhân nam đã phục hồi từ COVID-19.
 
Bài nghiên cứu được tiến hành trên 43 bệnh nhân nam có độ tuổi từ 18-65 tuổi đã điều trị khỏi SARS-CoV-2. Bệnh nhân được lấy 4 mẫu bệnh phẩm: nước bọt, nước tiểu trước khi xuất tinh, tinh dịch và nước tiểu sau xuất tinh, các mẫu này được xét nghiệm SARS-CoV-2. Vợ của những người tham gia nghiên cứu được xét nghiệm lại nếu bất kỳ mẫu nào được phát hiện là dương tính với SARS-CoV-2. Các mẫu bệnh phẩm được thực hiện tinh dịch đồ, định lượng bạch cầu trong tinh dịch theo hướng dẫn của WHO 2010 và mức độ interleukin-8 (IL-8) bằng phương pháp ELISA hai bước.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sau khi phục hồi từ COVID-19, có 11/43 bệnh nhân (25%) trong nghiên cứu này được xác định là oligo-crypto-azoospermic (số lượng tinh trùng ít, thiểu tinh, không có tinh trùng trong tinh dịch). Trong số 11 bệnh nhân đó, 8 người không có tinh trùng và 3 người có số lượng tinh trùng ít. Tổng số 33 bệnh nhân (76,7%) có nồng độ IL-8 bệnh lý trong tinh dịch. Oligo-crypto-azoospermia có liên quan đáng kể đến mức độ nghiêm trọng của COVID-19 (P <0,001). Có 3 bệnh nhân (7%) xét nghiệm dương tính với ít nhất một mẫu bệnh phẩm (nước bọt, nước tiểu trước khi xuất tinh, tinh dịch và nước tiểu sau xuất tinh), vì vậy ngày hôm sau phải lấy mẫu dịch phết mũi và thực hiện RT-PCR để khẳng định. Kết quả từ 3 bệnh nhân này và vợ của họ đều âm tính với SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu này, đối tượng tham gia nghiên cứu là bệnh nhân nam có độ tuổi từ 30 đến 64 tuổi. Nghiên cứu này chứng minh rằng những người nam trẻ tuổi, có khả năng sinh sản bình thường phục hồi từ COVID-19 có nguy cơ cao bị oligo-crypto-azoospermia. Những phát hiện gần đây dường như ủng hộ ảnh hưởng của nhiễm SARS-CoV-2 đối với hormone sinh dục nam, với sự gia tăng nồng độ LH trong huyết tương và giảm rõ rệt testosterone và FSH (Ma và cs, 2020). Trong nghiên cứu này, các tác giả phát hiện ra rằng khoảng ¼ (11/43, 25,5%) bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục là oligo-crypto-azoospermic, một tỷ lệ cao hơn rõ ràng so với báo cáo cho dân số chung (khoảng 1% đối với bệnh azoospermia, Jarow và cs., 1989; 3% đối với oligozoospermia, Ombelet và cs., 2009). Đặc biệt là tất cả bệnh nhân azoospermia đều có tình trạng sinh sản không bị suy giảm trước khi mắc bệnh (5 bệnh nhân đã có một con, 2 người có hai con và 1 người có ba con), và chỉ 1 trong số 3 bệnh nhân oligo-crypto-azoospermic được ghi nhận là chưa có con (trong khi 2 bệnh nhân còn lại mỗi người có 2 con). Sự xuất hiện của azoospermia có thể liên quan đến thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị bệnh nhân trong COVID-19. Thật vậy, thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, chloroquine, corticosteroid và thuốc điều hòa miễn dịch có thể ảnh hưởng đến tình trạng sinh sản của nam giới (Semet và cs, 2017). Tuy nhiên, không thể loại trừ yếu tố đóng góp vào sự suy giảm chức năng tinh hoàn là do nhiễm SARS-COV-2, vì thời gian hồi phục trung bình là khoảng 30 ngày, thấp hơn độ dài của một chu kỳ sinh tinh hoàn chỉnh ở người. Virus có thể khu trú trong tinh hoàn do sự biểu hiện tăng cao của ACE và TMPRSS2 trong cơ quan và bệnh nhân COVID-19 đang bị nhiễm bệnh có nồng độ testosterone thấp (Rastrelli và cs, 2020; Wang và cs, 2020). Hơn nữa, mặc dù kháng sinh từ lâu đã bị nghi ngờ là góp phần gây vô sinh nam (Semet và cs, 2017), nhưng dữ liệu vẫn còn hạn chế để ủng hộ giả thiết này (Samplaski và Nangia, 2015). Chất lượng tinh dịch cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng sốt dài ngày. Đặc biệt, mật độ tinh trùng bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng sốt xảy ra trong giai đoạn giảm phân và sau nguyên phân, với mức giảm trung bình lần lượt là 32,6% và 35% (Carlsen và cs, 2003). Hơn nữa, một sự thay đổi lớn về mật độ tinh trùng đã được quan sát thấy và sự phục hồi tinh dịch đạt được gần 60 ngày sau khi thân nhiệt trở về bình thường (MacLeod, 1951). Trong nhóm bệnh nhân của nghiên cứu này, 1 mẫu tinh dịch crypto-azoospermia được phân tích 4 tuần và 1 mẫu sau 6 tuần khi thân nhiệt của bệnh nhân trở lại bình thường, trong khi 9 bệnh nhân oligo-crypto-azoospermia khác được xét nghiệm ít nhất 8 tuần sau khi hồi phục từ COVID-19. Hơn nữa, 8 trong số 11 người đàn ông bị suy giảm tinh dịch là cryptoazoospermics và ba là oligospermics. Do đó, ảnh hưởng của sốt đến chất lượng tinh dịch dường như không đáng kể.

Hơn nữa, virus có thể có tác động trực tiếp (sao chép và lây lan ở tinh hoàn) và gián tiếp (sốt và bệnh lý miễn dịch) lên chức năng tinh hoàn (Carlsen và cs, 2003). Tăng bạch cầu có liên quan đến nhiễm trùng tuyến phụ nam (MAGI). Tuy nhiên, sinh lý bệnh của bạch cầu trong tinh dịch vẫn chưa rõ ràng và ý nghĩa chẩn đoán vẫn còn đang tranh cãi (Grande và cs, 2018). Các dấu ấn sinh học mới, bao gồm một số cytokine, đã được báo cáo là dấu hiệu hứa hẹn nhất của việc bị viêm nhiễm (Grande và cs, 2018). IL-8 là một chemokine liên quan đến một số bệnh viêm, bao gồm viêm tuyến tiền liệt, túi tinh và mào tinh hoàn (Penna và cs, 2007; Lotti và cs, 2012; Lotti và Maggi, 2013). Do đó, IL-8 đã được đề xuất như một đánh dấu cụ thể cho MAGI (Lotti và cs, 2011). Mức độ cao của sIL-8 được tìm thấy trong một tỷ lệ phần trăm cao bệnh nhân của chúng tôi hỗ trợ sự tồn tại của tình trạng viêm trong đường sinh dục nam (Penna và cs, 2007) sau khi chữa bệnh. Ngoài ra, các phương pháp điều trị phục hồi (ví dụ, thông khí xâm lấn, sử dụng thuốc an thần, liệu pháp hỗ trợ cơ quan cụ thể) và suy nhược cơ thể có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn (Vishvkarma và Rajender, 2020). Rõ ràng, để hiểu được liệu những người đàn ông này có thể phục hồi chức năng tinh hoàn kém hay không, họ nên được đánh giá lại ít nhất 3 tháng sau khi chữa khỏi hoàn toàn khỏi COVID-19.

Nghiên cứu này có một số hạn chế. Đầu tiên, số lượng bệnh nhân đăng ký (43) có thể hạn chế sức mạnh thống kê của nghiên cứu về mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa nhiễm COVID-19, chất lượng tinh dịch và lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, nghiên cứu này là nghiên cứu lớn nhất trong số các nghiên cứu được công bố cho đến nay báo cáo về chất lượng tinh dịch và sự xuất hiện của bộ gen virus trong tinh dịch của những người đàn ông đã bị nhiễm trước đó và những người đã phục hồi sau COVID-19 (12 bệnh nhân ở Ma và cs, 2020; 23 trong Guo và cs, 2020). Một hạn chế khác trong nghiên cứu của chúng tôi là không biết chất lượng tinh dịch trước khi nhiễm COVID-19 của những bệnh nhân oligo-crypto-azoospermia. Tuy nhiên, tất cả những bệnh nhân crypto-azoospermic đều đã từng có con. Điểm mạnh của nghiên cứu của chúng tôi là bộ gen SARS-CoV-2 đã được phân tích trong bốn mẫu sinh học khác nhau, từ các vị trí giải phẫu khác nhau, được thu thập đồng thời. Cuối cùng, nghiên cứu được thực hiện trong một khung thời gian ngắn và tại một trung tâm duy nhất nên có thể giảm thiểu các yếu tố gây nhiễu ​​liên quan đến các biến thể và quy trình giải mã virus.

Tóm lại, bộ gen SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong các chất dịch sinh học như nước bọt, nước tiểu và tinh dịch ở một tỷ lệ nhỏ nam giới đã khỏi bệnh COVID-19. Ngay cả khi bằng chứng của nghiên cứu cho thấy nguy cơ lây truyền qua đường tình dục SARS-CoV-2 sau khi hồi phục ở người vợ dường như không đáng kể, cần thận trọng khi thao tác trên mẫu tinh dịch của bệnh nhân COVID-19 đã lành bệnh trong quá trình hỗ trợ sinh sản và đông lạnh. Quan trọng nhất, một phần tư nam giới khỏi bệnh COVID-19 có thể bị oligo-crypto-azoospermia và các dấu hiệu của viêm đường sinh dục nam, liên quan chặt chẽ đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, nghiên cứu này đề xuất rằng bệnh nhân COVID-19 trong độ tuổi sinh sản nên được theo dõi cẩn thận về chức năng sinh sản và các thông số tinh dịch.

CVPH Trần Vĩnh Thiên Ngọc – IVFMD Tân Bình

(Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM http://hosrem.org.vn/)
 
Nguồn: Gacci, M., Coppi, M., Baldi, E., Sebastianelli, A., Zaccaro, C., Morselli, S., Pecoraro, A., Manera, A., Nicoletti, R., Liaci, A., Bisegna, C., Gemma, L., Giancane, S., Pollini, S., Antonelli, A., Lagi, F., Marchiani, S., Dabizzi, S., Degl'Innocenti, S., Annunziato, F., … Serni, S. (2021). Semen impairment and occurrence of SARS-CoV-2 virus in semen after recovery from COVID-19. Human reproduction (Oxford, England), 36(6), 1520–1529. https://doi.org/10.1093/humrep/deab026