Tăng độ nhớt tinh dịch làm giảm chất lượng tinh trùng và tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm

TỔNG QUÁT

Tăng độ nhớt của tinh dịch (SHV) là tình trạng làm giảm nghiêm trọng các đặc tính vật lý và hóa học của của tinh dịch. Tinh dịch có độ nhớt bình thường đóng vai trò quan trọng đối với chức năng của tinh trùng và quá trình thụ tinh. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của tinh trùng vào chất nhầy cổ tử cung, duy trì tốc độ bơi, ngăn chặn phản ứng peroxy hóa lipid và duy trì tính toàn vẹn nhiễm sắc thể của tinh trùng.

Các nghiên cứu gần đây đã báo cáo rằng SHV xảy ra ở 12-29% số lần xuất tinh và có thể được coi là lý do chính gây vô sinh nam.

Navid Esfandiari và các công sự đã làm nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc tăng độ nhớt tinh dịch đến quá trình thụ tinh, làm tổ và mang thai ở những bệnh nhân đang làm IVF/ ICSI.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

ĐỐI TƯỢNG

Nghiên cứu được thực hiện ở những bệnh nhân đang tiến hành IVF tại Trung tâm Công nghệ Sinh sản Tiên tiến Toronto.

Gồm 2 nhóm:

- Nhóm nghiên cứu: 158 bệnh nhân với độ nhớt tinh dịch vừa và nặng.

- Nhóm đối chứng: 129 bệnh nhân với độ nhớt tinh dịch bình thường.

KÍCH THÍCH BUỒNG CHỨNG

Các bệnh nhân nữ được kích trứng bằng phác đồ điều trị dài với chất chủ vận GnRH sau đó là COH sử dụng FSH tái tổ hợp.  Sự phát triển của nang được theo dõi bằng siêu âm và nồng độ E 2 huyết thanh. Khi kích thước nang trứng đạt chuẩn, các bệnh nhân được tiêm thuốc kích thích rụng trứng 10.000 IU hCG. Noãn được lấy ra sau đó 36 giờ. Chuyển phôi được thực hiện vào ngày thứ 3 và chỉ những phôi có chất lượng cao nhất ở giai đoạn 6 đến 8 tế bào mới được chuyển.

Thử thai được thực hiện 14 ngày sau khi chuyển phôi và thai lâm sàng được xác định là một túi thai nằm trong tử cung (không bao gồm thai ngoài tử cung và thai sinh hóa).

CHUẨN BỊ TINH DỊCH

Các mẫu tinh dịch được thu thập sau 48–72 giờ kiêng quan hệ tình dục. Phân tích tinh dịch được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xác định nồng độ và khả năng di chuyển của tinh trùng.

Để khắc phục độ nhớt tinh trùng cao, sử dụng một ống tiêm BD 5 mL vô trùng được trang bị kim 18G vô trùng. Mẫu thử được hút nhẹ nhàng vào ống tiêm và từ từ đẩy trở lại ống. Quy trình được lặp lại để đảm bảo độ lỏng của mẫu.

KẾT QUẢ

Kết quả thu được, Số lượng tinh trùng thấp hơn (Nhóm nghiên cứu: 28,1 ± 25,6; nhóm đối chứng: 36,9 ± 34,0, P<0.05) và khả năng di chuyển  thấp hơn đáng kể (Nhóm nghiên cứu: 37,0 ± 20,5; nhóm đối chứng: 41,5 ± 19,2, P<0.05)  ở nhóm nghiên cứu so với nhóm đối chứng.

Sau khi thụ tinh ống nghiệm, tỷ lệ thụ tinh ở những bệnh nhân bị tăng độ nhớt tinh dịch thấp hơn đáng kể so với nhóm chứng (50,4% so với 64,6%; P = .0001). Ngoài ra, những cặp vợ chồng có độ nhớt nặng có tỷ lệ thụ tinh thấp hơn so với những cặp có độ nhớt trung bình (17,4% so với 58,4%; P = .0001). Không có sự khác biệt về tỷ lệ thụ tinh ICSI giữa những bệnh nhân có độ nhớt nặng và trung bình.

 Tỷ lệ có thai lâm sàng (28% so với 39,9%) và tỷ lệ làm tổ 10,5% so với 16,5%) thấp hơn đáng kể ở nhóm nghiên cứu so với nhóm chứng.

KẾT LUẬN

Tăng độ nhớt của tinh dịch làm giảm số lượng và khả năng di động của tinh trùng, giảm tỷ lệ thụ tinh và mang thai lâm sàng ở bệnh nhân tiến hành thụ tinh ống nghiệm.

Nguồn: Navid Esfandiari , 2008, Seminal hyperviscosity is associated with poor outcome of in vitro fertilization and embryo transfer: a prospective study, fertility and sterility.